Advertisement

40% Off
Showing posts with label Xã hội. Show all posts
Showing posts with label Xã hội. Show all posts

Bóng tối phía sau ngành công nghiệp anime tỷ USD của Nhật Bản

A

nime là phim hoạt hình được làm theo phong cách Nhật Bản và thường được mô tả bởi đồ họa tràn đầy màu sắc, các nhân vật sống động và nội dung đa dạng, phong phú cho mọi đối tượng và mọi lứa tuổi. Anime là hình thái nghệ thuật phong phú với các phương pháp sản xuất đặc biệt với nhiều kỹ thuật và là sự kết hợp hoàn hảo giữa nghệ thuật đồ họa, bản ngã nhân vật, kỹ thuật điện ảnh. Anime của Nhật Bản ngày càng trở nên phổ biến và được ưa chuộng trên toàn thế giới. Văn hóa anime Nhật Bản là một nét đặc trưng cho sự tinh hoa của nền văn hóa Nhật Bản.

Theo New York Times, ngành công nghiệp anime của Nhật Bản bùng nổ với quy mô chưa từng có. Và đó là lý do anh Tetsuya Akutsu tính đến chuyện tạm dừng công việc.

Khi anh Akutsu trở thành họa sĩ diễn hoạt (animator) cách đây 8 năm, thị trường anime toàn cầu - bao gồm các chương trình truyền hình, phim ảnh và hàng hóa - chỉ bằng 50% quy mô năm 2019 (24 tỷ USD).

Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu trong và ngoài nước, khi khán giả đủ mọi lứa tuổi say sưa với Pokémon hay Ghost in the Shell.

Anh Akutsu là một họa sĩ diễn hoạt hàng đầu, đôi khi đảm nhận vai trò đạo diễn của một số loạt phim hoạt hình nổi tiếng Nhật Bản. Anh làm việc gần như mỗi ngày ngay sau khi tỉnh giấc. Tuy nhiên, Anh Akutsu chỉ kiếm về từ 1.400-3.000 USD mỗi tháng.

Anh vẫn là một người may mắn. Hàng nghìn họa sĩ khác phải làm việc liên tục với mức lương chỉ 200 USD/tháng. Thay vì giúp các họa sĩ có thêm thu nhập, ngành công nghiệp bùng nổ chỉ làm gia tăng khoảng cách giữa những gì họ cho đi và nhận lại. Nhiều người tự hỏi liệu có đủ khả năng tiếp tục theo đuổi đam mê hay không.


Công việc khắc nghiệt

"Tôi muốn làm việc trong ngành công nghiệp anime đến hết đời", anh Akutsu, 29 tuổi, chia sẻ. Nhưng khi chuẩn bị kết hôn, anh đối mặt với áp lực tài chính lớn. "Tôi sẽ không đủ tiền để kết hôn và sinh con", anh Akutsu than thở.

Theo thống kê của Hiệp hội Sáng tạo Phim hoạt hình Nhật Bản, thu nhập trung bình của các họa sĩ diễn hoạt chính và những tài năng hàng đầu khác đã tăng từ 29.000 USD vào năm 2015 lên 36.000 USD năm 2019.
Trong tiếng Nhật, các họa sĩ diễn hoạt được gọi là "genga-man". Họ là những người vẽ khung hình chính. Là một họa sĩ như vậy nhưng anh Akutsu chỉ kiếm đủ tiền để ăn và thuê một căn hộ nhỏ ở ngoại ô Tokyo.

Thu nhập của anh khác xa các họa sĩ tại Mỹ. Theo dữ liệu chính thức, mức lương trung bình của những người này là 75.000 USD/năm, thậm chí lên tới hàng trăm nghìn đối với các họa sĩ cao cấp.

Trong khi đó, tại Nhật Bản, những họa sĩ cấp thấp chỉ nhận mức lương trung bình 12.000 USD/năm, chưa kể đến các họa sĩ tự do có thu nhập thấp hơn.

Vấn đề một phần bắt nguồn từ cấu trúc của ngành, vốn hạn chế lợi nhuận chảy về các hãng phim. Tuy nhiên, theo cô Simona Stanzani - người đã có kinh nghiệm 3 năm trong ngành, những hãng phim này có thể trả mức lương ít ỏi nhờ một nhóm người trẻ đam mê anime, sẵn sàng làm việc với ước mơ tạo dựng tên tuổi trong ngành.

"Có rất nhiều họa sĩ tuyệt vời ngoài kia. Các hãng phim còn vô số 'bia đỡ đạn'. Họ chẳng việc gì phải tăng lương", cô nói thêm.

Ngành công nghiệp anime đã bùng nổ trong những năm gần đây. Các công ty sản xuất Trung Quốc trả cho nhiều hãng phim Nhật Bản khoản phí lớn để sản xuất phim cho thị trường nội địa.

Vào tháng 12, Sony đã trả gần 1,2 tỷ USD để mua lại trang video anime Crunchyroll từ AT&T. Công việc kinh doanh tốt đến mức gần như mọi xưởng phim hoạt hình ở Nhật Bản đều có đơn đặt hàng trước nhiều năm.

Nhiều họa sĩ diễn hoạt trẻ tuổi sẵn sàng nhận lương thấp để theo đuổi ước mơ. Ảnh: New York Times.

Netflix cho biết số lượng hộ gia đình xem anime trên dịch vụ phát trực tuyến vào năm 2020 tăng gấp rưỡi so với năm trước. Các ủy ban sản xuất - liên minh đặc biệt của nhà sản xuất đồ chơi, xuất bản truyện tranh và những công ty khác - thường trả cho các hãng phim một khoản phí cố định và tiền bản quyền.

Mô hình này bảo vệ các hãng phim khỏi nguy cơ thất bại, nhưng cũng khiến họ không nhận nhiều lợi nhuận khi dự án thành công lớn.

Thay vì thương lượng mức giá cao hơn hoặc chia sẻ lợi nhuận với các ủy ban sản xuất, nhiều hãng phim tiếp tục chèn ép họa sĩ diễn hoạt, giảm thu nhập bằng cách thuê họ như những họa sĩ tự do. Nhờ đó, chi phí sản xuất vẫn được duy trì thấp ngay cả khi lợi nhuận tăng lên.

"Tôi chưa bao giờ kiếm nhiều hơn 38 USD/ngày"

Trong ngành công nghiệp anime nổi tiếng khắc nghiệt, các họa sĩ và nhân viên phải liên tục ngủ lại xưởng phim trong nhiều tuần để hoàn thành dự án. Đáng nói, việc đó được nhắc đến với sự tự hào.

Trong tập đầu tiên của bộ anime Shirobako, một họa sĩ đã gục ngã vì cơn sốt khi sắp đến hạn chót nộp bản vẽ. Bộ phim kể về những nỗ lực của người trẻ khi cố gắng bước vào ngành.

Theo nhà hoạt động Jun Sugawara, thời gian làm việc khắc nghiệt đã vi phạm quy định lao động của Nhật Bản. Tuy nhiên, các nhà chức trách không mấy quan tâm, dù chính phủ Nhật Bản coi anime là một phần trọng tâm trong những nỗ lực ngoại giao công chúng.

"Cho đến nay, chính quyền quốc gia và địa phương không có bất kỳ chiến lược hiệu quả nào để giải quyết vấn đề này", ông Sugawara chỉ trích. Trong một cuộc phỏng vấn, một quan chức của Bộ Lao động Nhật Bản cho biết chính phủ đã nhận thức được vấn đề. Tuy nhiên, có rất ít biện pháp giải quyết trừ khi các họa sĩ đệ đơn khiếu nại.

Những năm gần đây, một số công ty lớn buộc phải thay đổi sau khi chịu áp lực lớn từ công chúng và các cơ quan quản lý. Mới đây, Netflix thông báo sẽ hợp tác với WIT Studio để cung cấp hỗ trợ tài chính và đào tạo các họa sĩ trẻ làm về nội dung cho xưởng phim. Theo chương trình, 10 họa sĩ diễn hoạt sẽ nhận 1.400 USD/tháng trong vòng 6 tháng.

Quy mô của thị trường anime toàn cầu - bao gồm các chương trình truyền hình, phim ảnh và hàng hóa - tăng chóng mặt trong những năm qua. Ảnh: New York Times.

Tuy nhiên, các hãng phim nhỏ hơn không có nhiều cơ hội để tăng lương cho nhân viên. "Đó là một ngành kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận rất thấp và sử dụng nhiều lao động", ông Joseph Chou, chủ một xưởng hoạt hình máy tính, nhận định.

Anh Ryosuke Hirakimoto đã quyết định từ bỏ công việc này sau khi đứa con đầu lòng ra đời. "Làm việc trong ngành công nghiệp anime là ước mơ cả đời của tôi. Nhưng chưa bao giờ tôi kiếm được nhiều hơn 38 USD/ngày", anh kể lại.

"Tôi bắt đầu tự hỏi liệu cuộc sống này đã kéo dài đủ lâu chưa", anh Hirakimoto chia sẻ. Hiện, anh làm việc tại một viện dưỡng lão. "Nhiều người tìm thấy giá trị khi được làm việc với những bộ anime yêu thích. Dù được trả khoản tiền ít ỏi, họ vẫn sẵn sàng."

Nhưng giờ, anh thừa nhận không hối hận về quyết định ra đi của mình.



Văn hóa anime Nhật Bản

Nhật Bản là một quốc gia có nền văn hóa đặc sắc mang những nét đặc trưng riêng, không lẫn được với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Không chỉ gây ấn tượng với nền văn hóa, phong tục đậm chất truyền thống mà Nhật Bản còn được biết đến là xứ sở của truyện tranh, những bộ truyện hoạt hình, anime nổi tiếng trên thế giới như như Your Name, Mộ đom đóm. Những tác phẩm anime của Nhật Bản luôn gây được sức hút với mọi người bởi nội dung hay và thiết kế sáng tạo, mới lạ.

Vào năm 1914, các bộ truyện tranh của Mỹ và Châu Âu du nhập vào Nhật Bản và đã gợi lên niềm cảm hứng sáng tạo cho những họa sĩ tranh biếm họa thời kỳ đó. Chính sự mới lạ, độc đáo của loại hình nghệ thuật này đã dẫn đến sự ra đời của nền văn hóa anime Nhật Bản. Vào năm 1917 bộ phim hoạt hình chuyên nghiệp đầu tiên của Nhật Bản được ra mắt. Lúc mới đầu anime thường được mô phỏng theo các truyện về robot với nội dung theo các bộ manga nổi tiếng, dần dần anime đi sâu hơn về nội dung lẫn chi tiết để phù hợp với thị hiếu người xem. Các bộ phim anime ngày nay thường có nét vẽ đơn giản, màu sắc rực rỡ và có nhiều nhân vật là trẻ con.

Hiện nay, Anime chiếm 60% số lượng phim hoạt hình được sản xuất trên thế giới. Những bộ anime được chiếu trên TV thường được phát theo mùa và có tên gọi là TV series.

Các đặc điểm nổi bật của anime gồm có:

  1. Tình tiết và cốt truyện phức tạp, đa số anime có cốt truyện đạt đến mức chi tiết đáng thán phục, luôn tạo tình huống thú vị cho khán giả. Phong cách và chủ đề đa dạng, chủng loại rất phong phú như phiêu lưu, hài hước, kinh dị, viễn tưởng hay là thể thao.
  2. Anime không tập trung vào một loại lứa tuổi nhất định nên có tính thu hút cao với nhiều đối tượng.
  3. Tình cảm: Theo văn hóa anime Nhật Bản thì yếu tố tình cảm trong anime thường rất cao. Cho dù thể loại phim là hành động, hài hước, lãng mạn, bi kịch thì anime vẫn luôn ẩn chứa tình cảm và có thể vượt bậc hơn cả truyện tranh, hoạt hình.
  4. Nét vẽ đẹp, được chú ý về chi tiết lẫn phong cách. Cách vẽ mắt anime rất có hồn và thể hiện được cảm xúc nhân vật. Về hoạt hình thì anime chú ý nhiều tới sự trau chuốt đẹp đẽ của bản vẽ hơn là sự luân chuyển hình ảnh nhịp nhàng.

Hoạt hình anime rất phong phú, đa dạng với nhiều thể loại khác nhau. Có khoảng 80 thể loại anime như action, adventure, shouju, shounen, comedy, fantasy, game, magic, school life. Trong đó cũng có những thể loại dành cho người trên 18 tuổi như ecchi, hentai. Các tác phẩm hoạt hình anime nổi tiếng và gây được nhiều tiếng vang trên thế giới như lâu đài trên không, Nàng công chúa ở thung lũng gió, Hàng xóm của tôi là Toronto, Cô bé phù thủy KiKi: Dịch vụ giao hàng KiKi, Mộ đom đóm, 5 centimet/giây, Tên bạn là gì?, Lạc vào khu rừng đom đóm. Chính sự sáng tạo trong thiết kế đồ họa cũng như trong nội dung đã mang đến một nền văn hóa anime Nhật Bản gây ấn tượng trên toàn thế giới.

Không có gì ngạc nhiên khi người ta ví von anime của nước Nhật là sinh thể vô hình có linh hồn và có ý chí sống vô cùng mãnh liệt. Bản thân anime cũng giống như người Nhật, luôn bền bỉ và kiên trì. Dù các công nghệ hoạt hình của Hollywood được nhiều người ngưỡng mộ nhưng anime vẫn luôn là bộ phim hoạt hình ấn tượng, độc đáo trong lòng những người có niềm đam mê với dòng phim hoạt hình. Văn hóa anime Nhật Bản đã mang đến những nét đặc trưng riêng biệt cho đất nước Nhật.

Tác giả Thảo Cao | Theo BizLive | Tổng hợp

Chính biến ở Myanmar: Từ các góc nhìn

K

ể từ sau đảo chính ngày 1/2, hàng trăm nghìn người Myanmar đã xuống đường biểu tình phản đối chính quyền quân sự. Trước ngày 3/3, hôm 28/2 là "ngày đẫm máu" nhất khi 18 người biểu tình chết và 30 người bị thương.

Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, 75 tuổi, đã bị giữ kể từ sau cuộc đảo chính. Bà xuất hiện trước tòa thông qua cuộc gọi video vào tuần này và có vẻ có sức khỏe tốt.

Bạo lực biểu tình mới nhất xảy ra sau khi ngoại trưởng Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), gồm đại diện quân đội Myanmar Wunna Maung Lwin, thảo luận về cuộc khủng hoảng tại cuộc họp trực tuyến. Sau cuộc họp, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi bày tỏ sự thất vọng vì quân đội Myanmar thiếu hợp tác. Singapore, nhà đầu tư lớn nhất của Myanmar, lên án việc chính quyền sử dụng vũ lực gây chết người.

"Hôm nay là ngày đẫm máu nhất kể từ khi cuộc đảo chính xảy ra vào ngày 1/2. Chỉ trong hôm nay, 38 người đã chết. Tổng cộng hơn 50 người đã chết kể từ sau cuộc đảo chính và nhiều người bị thương", Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener cho biết tại New York ngày 3/3.



    Điều gì đang diễn ra ở Myanmar

    Ngày 1/2, ngay trước kỳ họp đầu tiên của Quốc hội mới được bầu, quân đội Myanmar (Tatmadaw) ban bố tình trạng khẩn cấp, phế truất chính quyền dân sự, bắt giữ Tổng thống Win Myint, Cố vấn Nhà nước, Chủ tịch Đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) Aung San Suu Kyi và các thành viên nội các, Quốc hội, trao quyền lực cho chính quyền quân sự, do Thống tướng, Tổng tư lệnh Min Aung Halaing đứng đầu.

    Sự việc không quá bất ngờ vì trước đó đã có cáo buộc bầu cử gian lận và nhiều tranh cãi. Cuối tháng 1, người phát ngôn quân đội cảnh báo không loại trừ khả năng đảo chính và có những động thái điều quân về thủ đô Naypyidaw.

    Xa hơn nữa, năm 1962, quân đội Myanmar đảo chính, chính quyền quân sự lên nắm quyền trong hơn 50 năm. Năm 2011, đảng được quân đội hậu thuẫn giành thắng lợi, lập chính phủ do tướng Thein Sein làm Tổng thống. Ông Thein Sein có những cải cách dân chủ, hợp tác với bà Aung San Suu Kyi. Năm 2015, NLD thắng cử, lập chính quyền dân sự không do người quân đội đứng đầu. Nhưng quân đội vẫn có ảnh hưởng lớn trong chính trường. Hiến pháp quy định quân đội nắm 25% ghế Quốc hội, kiểm soát 3 bộ chủ chốt và Tổng tư lệnh quân đội có thể lâm thời nắm quyền trong những trường hợp cực kỳ nghiêm trọng.

    Quân đội cáo buộc NLD gian lận bầu cử và bà Aung San Suu Kyi vi phạm pháp luật để phế bỏ chính phủ. Nhưng theo một số nhà nghiên cứu, lý do sâu xa là lãnh đạo Tatmadaw lo ngại chính phủ do NLD kiểm soát sẽ tìm cách hạn chế quyền lực, tầm ảnh hưởng của quân đội và đi theo con đường mà quân đội không mong muốn.

    Hàng ngàn người dân Myanmar biểu tình ở các tỉnh, thành phố, tổng đình công trên cả nước, phản đối quân đội, đòi thả người bị bắt giữ, khôi phục chính quyền dân sự. Chính quyền quân sự hạn chế Internnet, mạng xã hội. Cảnh sát sử dụng vòi phun nước, đạn cao su, đạn khói, đạn nổ để ngăn chặn, giải tán biểu tình, làm nhiều chục người chết. Một tháng trôi qua, biểu tình vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

    Các góc nhìn khác nhau

    Sự kiện ngày 1/2 ở Myanmar được các nước, truyền thông quốc tế đặt tên khác nhau: Khủng hoảng, chính biến, binh biến, đảo chính và "cải tổ nội các”… Cái vỏ ngôn ngữ phần nào thể hiện góc nhìn về sự kiện Myanmar.

    Tuyên bố phê phán đảo chính của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không được thông qua. Ngày 26/2, Liên hợp quốc tổ chức phiên họp không chính thức thảo luận về khủng hoảng Myanmar. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ lo ngại và khẳng định “việc sử dụng vũ lực nhằm vào người biểu tình ôn hòa và các vụ bắt giữ tùy tiện là không thể chấp nhận được”, kêu gọi cộng đồng quốc tế “cùng nhau gửi một tín hiệu rõ ràng đến quân đội Myanmar rằng họ phải tôn trọng nguyện vọng của nhân dân được thể hiện thông qua bầu cử và ngừng đàn áp”.

    Mỹ, nhóm G7 và nhiều nước phương Tây khác coi đây là đảo chính quân sự, hành động chiếm đoạt quyền lực bất hợp pháp, phản đối sử dụng bạo lực gây thương vong cho người biểu tình, kêu gọi phối hợp trừng phạt các lực lượng đứng sau đảo chính và bạo lực tại Myanmar. Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách Chính sách An ninh và Đối ngoại Josep Borrel xác nhận EU sẽ thông qua các biện pháp trừng phạt và sớm thực thi nhằm đáp trả những diễn biến này. New Zealand là nước đầu tiên tuyên bố cắt đứt quan hệ với Myanmar.

    Thái độ của Trung Quốc ở một cực khác biệt với phương Tây. Bắc Kinh cho đó là “cuộc cải tổ nội các”, “sự xáo trộn nội các nghiêm trọng”, chặn tuyên bố chung của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án đảo chính. Trung Quốc nhận là quốc gia láng giềng thân thiện, hy vọng các bên giải quyết phù hợp các khác biệt trong khuôn khổ hiến pháp, luật pháp, nhằm giữ ổn định chính trị, xã hội.

    Trung Quốc tỏ thái độ khá “ôn hòa” bởi họ đánh giá Myanmar có vị trí quan trọng, khép nối vòng cung đầu tư, giao thông của “Vành đai, Con đường” ở Đông Nam Á; là cửa ngõ thuận lợi nhất để đi tắt ra Ấn Độ Dương, tránh sự phụ thuộc vào eo biển Malacca và hai nước có quan hệ khá chặt chẽ. Gần đây, chỉ trong thời gian ngắn, từ 9/2020-1/2012, Ngoại trưởng Vương Nghị đã có 2 chuyến thăm Myanmar.

    Phương Tây vốn ủng hộ “Phong trào chuyển đổi dân chủ” của NLD và bà Aung San Suu Kyi. Nhưng năm 2016, 2017, họ có biểu hiện lạnh nhạt với chính phủ do NLD lãnh đạo, vì cuộc khủng hoảng người tị nạn Hồi giáo Rohingya. Trung Quốc tận dụng cơ hội “lấp chỗ trống”, duy trì quan hệ với cả NLD, bà Aung San Suu Kyi và quân đội Myanmar.

    Hai nước thỏa thuận nhiều dự án trong Hành lang kinh tế Trung Quốc - Myanmar (CMEC), trong đó có dự án đường xe lửa cao tốc trị giá 8,9 tỷ USD nối Vân Nam với vùng duyên hải Myanmar ở Ấn Độ Dương.

    Từ việc Ngoại trưởng Vương Nghị trong chuyến thăm Myanmar tháng 1/2021 đã gặp Thống tướng Min Aung Halaing cùng nhiều quan chức cấp cao khác và thông tin sau ngày 1/2, nhiều chuyến bay bí mật từ Trung Quốc đến Myanmar, được cho là chở trang bị, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ Tatmadaw, nhiều nước phương Tây cho rằng Bắc Kinh ngầm ủng hộ hoặc bật đèn xanh cho đảo chính.

    Nhiều người dân Myanmar cũng nghĩ như vậy, tụ tập tuần hành ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở thành phố Yangon, kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc. Dĩ nhiên, Bắc Kinh phản đối mọi cáo buộc.

    Cũng có dư luận cho rằng Trung Quốc “mất nhiều hơn được” vì chính biến ảnh hưởng đến các dự án nhiều tỷ USD trong CMEC, tình hình “mất khả năng điều khiển”, tạo cơ hội cho phương Tây can dự. Trung Quốc sẽ “khó xử” do có quan hệ với cả phe dân sự và quân sự.

    Ngày 2/3, Ngoại trưởng các nước ASEAN họp trực tuyến, ra tuyên bố không chính thức của Chủ tịch về tình hình của Myanmar.

    Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi luôn theo sát diễn biến tình hình của khu vực và nhất trí rằng sự ổn định chính trị của bất kỳ quốc gia thành viên nào cũng là điều cần thiết để đạt được cộng đồng ASEAN hòa bình và ổn định và thịnh vượng chung.

    Chúng tôi bày tỏ sự quan ngại về tình hình ở Myanmar và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, không kích động bạo lực.

    Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan tìm kiếm giải pháp hòa bình, thông qua đối thoại và mang tính xây dựng và hòa giải vì lợi ích của người dân và kế sinh nhai của họ.

    Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị ASEAN phối hợp chặt chẽ, phát huy vai trò, sử dụng hiệu quả các công cụ, cơ chế hợp tác hiện có, trong đó có phối hợp với các tổ chức và cơ chế toàn cầu, bao gồm Liên hợp quốc, nhằm giúp Myanmar ổn định tình hình vì lợi ích của nhân dân và đất nước Myanmar, cũng như vì hoà bình, ổn định khu vực và đoàn kết, uy tín của ASEAN.

    Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammuddin Hussein kêu gọi Myanmar cần tiếp tục hợp tác với các quốc gia thành viên ASEAN để tránh trở thành "một đường đứt gãy" có thể dẫn đến sự bất ổn ở khu vực.

    Có nhiều mức phản ứng, nhưng điểm chung là mong muốn các bên tránh sử dụng bạo lực, đối thoại giải quyết căng thẳng phù hợp với Hiến pháp, luật pháp, tôn trọng ý kiến của nhân dân Myanmar. Nhiều nước ủng hộ trừng phạt, nhưng cũng có ý kiến cho rằng nó ít hiệu quả, ảnh hưởng đến người dân, cô lập chính quyền quân sự càng đẩy họ ngả vào vòng tay nước lớn.

    Đảo chính không phải là chuyện hiếm

    Trên thế giới, thay đổi chính quyền ở các quốc gia diễn ra theo nhiều cách khác nhau: (i) Thông qua bầu cử; (ii) Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ đương nhiệm, lập chính phủ mới; (iii) Các cuộc biểu tình đông người, có thể được nước ngoài hỗ trợ, gây áp lực buộc chính phủ từ chức; (iv) Đảo chính lật đổ chính phủ đương nhiệm bằng biện pháp quân sự; (v) Nước ngoài tạo cớ tiến công quân sự lật đổ chính phủ một nước không “thân thiện” với mình… Các hình thức (iii), (iv), (v) thường dẫn đến thay đổi thể chế chính trị.

    Nhiều nước từng xảy ra đảo chính, có nước nhiều lần. Châu Phi là nhiều nhất ở: Mali (1991, 2012), Nam Sudan (2013), Ai Cập (2013), Libya (2013, 2015) Burkina Faso (2015), Zimbabwe (2017)… Ở châu Âu, đảo chính là “chuyện thường ngày” của Thổ Nhĩ Kỳ. Từ khi lên cầm quyền năm 2014, Tổng thống Tayyip Erdogan cải tổ, nắm quân đội, đập tan đảo chính, âm mưu đảo chính năm 2016, 2020. Ở Đông Nam Á, Thái Lan cũng đã từng chứng kiến hàng chục cuộc đảo chính, Philippines cũng xảy ra một số cuộc…

    Đảo chính thường xảy ra ở những nước có mâu thuẫn sắc tộc sâu sắc, chính trị, xã hội bất ổn, đói nghèo… Các cuộc đảo chính nhằm thay đổi chính quyền hợp hiến bằng bạo lực, vì quyền lợi của một sắc tộc, đảng phái, tác động tiêu cực đến sự phát triển đất nước, đến an ninh, đời sống nhân dân, bị người dân sở tại và cộng đồng quốc tế phản đối.

    Những kịch bản nào cho Myanmar

    Cách phản ứng của các nước với chính biến ở Myanmar xuất phát từ lo ngại tác động đến an ninh, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và trật tự thế giới dựa trên luật pháp. Bên cạnh đó là lợi ích quốc gia, lo ngại phá vỡ các mối quan hệ đã thiết lập. Cũng có nước tận dụng chính biến để gia tăng ảnh hưởng, can dự vào Myanmar và khu vực.

    Điều đó cho thấy “tính 2 mặt”, “tiêu chuẩn kép” của một số nước trong việc đánh giá tình hình, các biến động nói chung, chính biến Myanmar nói riêng. Cáo buộc gian lận bầu cử thường được sử dụng nhưng khó kiểm chứng. Có người cho rằng: Bỏ phiếu không quan trọng bằng kiểm phiểu!

    Chính biến ở Myanmar ảnh hưởng lớn đến sự ổn định, phát triển đất nước và đời sống của người dân. Nền kinh tế bị suy thoái do đại dịch, có nguy cơ khủng hoảng do trừng phạt. Lực lượng quân sự một số sắc tộc được nước ngoài ủng hộ gia tăng hoạt động; mâu thuẫn sắc tộc, mâu thuẫn giữa NLD với quân đội có thể trầm trọng hơn. Myanmar vốn đã khó khăn, sau chính biến càng khó hơn. Thời gian tới, tình hình Myanmar có thể diễn biến theo các kịch bản khác nhau.

    Kịch bản chính quyền quân sự thỏa thuận thành lập chính phủ lâm thời có đại diện của quân đội, NLD, một số đảng phái khác hoặc nhượng bộ khôi phục chính quyền dân sự rất khó hoặc không thể xảy ra.

    Kịch bản khả dĩ nhất là tiến hành cuộc bầu cử mới. Chính quyền quân sự tận dụng thời gian cầm quyền, nỗ lực chuẩn bị để đảng được quân đội hỗ trợ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử mới. Họ sử dụng chiêu bài phân bổ số ghế quốc hội theo tỷ lệ giữa các đảng phái, sắc tộc để tập hợp các dân tộc thiểu số thành một lực lượng đông đảo, vượt trội NLD. Quân đội Myanmar có thể lợi dụng sự đối chọi giữa các nước để giảm tác động của trừng phạt.

    Bà Aung San Suu Kyi và phong trào biểu tình được nhiều nước ủng hộ, NLD có ý định lập chính phủ mới để đấu tranh với phe quân sự. Nhưng thực lực hạn chế, có thể chấp nhận bầu cử mới sau khi thỏa mãn yêu cầu thả người bị bắt, không sử dụng bạo lực, khôi phục hoạt động xã hội.

    Trước áp lực cộng đồng, vai trò trung gian hòa giải quốc tế, 2 bên có thể đối thoại, đàm phán, tổ chức bầu cử có giám sát quốc tế. Cuộc bầu cử có thể diễn ra sau hoặc trước thời hạn 1 năm.

    Kịch bản xấu là biểu tình tiếp tục lan rộng, kéo dài, chính quyền quân sự sử dụng bạo lực đối phó, lực lượng vũ trang một số sắc tộc gia tăng hoạt động, thế lực bên ngoài can dự, gián tiếp hoặc trực tiếp hỗ trợ lực lượng bên trong theo ý đồ riêng. Myanmar khủng hoảng toàn diện, xung đột kéo dài.

    Xảy ra kịch bản nào phụ thuộc chủ yếu vào nhân tố bên trong, thực lực, tính toán chiến lược của các phe phái. Tác động bên ngoài và vai trò của quốc tế, nhất là Liên hợp quốc, ASEAN rất quan trọng. Đại diện Liên hợp quốc và ASEAN có thể làm trung gian hòa giải, chắp nối để đại diện các bên đối thoại, tiến tới giải pháp chính trị, tổng tuyển cử công bằng, có sự giám sát quốc tế.

    Nguồn TGVN

    Nạn bắt nạt người khác: 'Vòi bạch tuộc' từ học đường đến mạng xã hội

    S

    ố liệu khảo sát mới nhất của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cho thấy 21% thanh thiếu niên tham gia khảo sát cho biết họ là nạn nhân của bắt nạt trên mạng tại VN, 75% không biết về đường dây nóng hoặc các dịch vụ có thể giúp nếu bị bắt nạt hoặc bị bạo lực trên mạng.

    “Ngày nay, không gian lớp học kết nối với thế giới bên ngoài cũng đồng nghĩa với việc giờ đến trường không còn kết thúc lúc học sinh rời lớp học, và thật đáng buồn, bắt nạt học đường cũng không dừng lại ở đó”, bà Henrietta Fore, Giám đốc điều hành UNICEF, nhận định.


    Rơi xuống “hố sâu” vì mạng xã hội

    Trung tuần tháng 10, ngành giải trí châu Á chấn động với tin tức diễn viên Sulli (Hàn Quốc) tự vẫn ở tuổi 25. Chiếc “thòng lọng” bình luận ác ý trên mạng xã hội, một dạng bắt nạt qua mạng, khiến Sulli bị trầm cảm dẫn đến cái chết. Sau khi xem lại những chia sẻ của Sulli trước khi qua đời, nhiều người cho rằng nguyên nhân dẫn đến quyết định tự tử của cô là do áp lực và trầm cảm. Vấn đề trầm cảm của Sulli được cho là xuất phát từ những bình luận ác ý của “hater” (danh từ chỉ những người chuyên bình luận tiêu cực, tung tin đồn gây hại cho nghệ sĩ).

    Ở VN, những câu chuyện tương tự không phải hiếm và xảy ra với cả người nổi tiếng cũng như người bình thường. Bắt nạt trên mạng đầy rẫy trên internet và hầu hết người trẻ đã trải qua hay chứng kiến điều đó một vài lần. Người ta có thể dễ dàng miệt thị, xúc phạm những người mình chưa từng gặp mặt.

    Nguyễn Ngọc Bảo Hân (19 tuổi), mẫu ảnh của Local Brands VN, tài khoản Instagram có 278.000 người theo dõi, cho biết:

    “Cộng đồng mạng đang giết từng người một, người mà họ không hề quen biết. Bàn phím là những con dao, những lời nói được phóng ra lao thẳng vào đối tượng trước mặt, nhưng họ lại lầm tưởng rằng làm vậy là thẳng thắn, cá tính. Chính tôi cũng từng là nạn nhân của tin đồn, tin giả. Những người có tầm ảnh hưởng, những người nổi tiếng rất hay bị người khác miệt thị, mà 80% là người lạ”.

    Theo Beautiful Mind VN, một tổ chức do bạn trẻ lập ra để hỗ trợ các vấn đề về tâm lý, giữa tháng 6.2015, nữ sinh N.T.A.T (15 tuổi, ở Đồng Nai), bị bạn trai tung clip sex lên mạng. Chỉ trong 2 ngày, có gần 300.000 lượt xem, 18.000 lượt thích, 4.000 lượt chia sẻ, hàng ngàn bình luận, vừa đay nghiến vừa cợt nhả. Bố mẹ T. van xin cộng đồng mạng “hãy tha cho cháu”.

    Bùi Q.H, học sinh một trường THCS tại Yên Bái, vào ngày 17.9.2016 sau khi đi học về đã bị một nhóm thanh niên chặn lại ở cổng trường, đánh liên tiếp bằng gậy cao su, bắt em quỳ và chắp tay xin tha trong khi có rất nhiều bạn bè trong trường qua lại. Chưa dừng lại ở đó, clip em bị đánh được tung lên mạng. H. bị chẩn đoán chấn động não và tổn thương nặng nề về tâm lý. Sau khi về nhà, em cảm thấy xấu hổ vì nhiều người nhìn thấy mình quỳ gối. Ngày 24.9, em thấy clip mình bị đánh được phát tán lên mạng. Ngày 25.9, mẹ của em phát hiện con mình treo cổ tự tử.

    Học sinh bị bắt nạt trên mạng ngày càng tăng

    Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhắc lại câu chuyện nữ sinh lớp 8 mang xăng đốt Trường THCS Phạm Ngũ Lão (Khánh Hòa), khiến hai chân bỏng nặng, phải nhập viện chỉ vì lời đùa trên mạng xã hội, gây xôn xao dư luận năm 2016.

    Tiến sĩ Kiên cho biết bà từng vào Khánh Hòa gặp giáo viên nhà trường và cả gia đình, học sinh (HS), nghe họ trình bày về sự việc, để hiểu hơn diễn biến tâm lý của nạn nhân. Theo chia sẻ của HS, ban đầu, em chỉ muốn "giật tít câu like", hành động bộc phát khi lứa tuổi chưa ổn định tâm lý. Tuy nhiên, sau khi nhận được hơn 1.000 like chỉ trong nháy mắt, HS này bị dồn ép bằng tin nhắn, ép buộc phải đốt trường đi. Do quá sợ hãi, em đã mua xăng và khi đang loay hoay đốt phòng y tế thì bị phát giác. Bản thân em cũng bị bỏng, cùng với sang chấn tâm lý nặng nề.

    Tại VN, từ năm 2015 đến nay, tiến sĩ Kiên và các chuyên gia đến từ ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, có 10 nghiên cứu về bắt nạt trực tuyến, khảo sát trên 5.000 HS, giáo viên, chuyên gia.

    Tháng 1.2019, nhóm đưa ra kết quả: Cứ 10 HS thì có 3 em bị bắt nạt qua mạng. Hậu quả là nhiều em căng thẳng, thậm chí tự tử. Kết quả cho thấy, năm 2015 có 24% HS cấp THCS và THPT tham gia khảo sát là nạn nhân của ít nhất một hình thức bắt nạt trên mạng. Đến 2016, tỷ lệ này tăng lên 35,7%. Năm 2018, kết quả nghiên cứu tại 3 địa phương Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa cho thấy gần 34% HS cấp THCS, THPT tham gia bắt nạt qua mạng với vai trò khác nhau như nạn nhân, thủ phạm, vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm.

    Ngoài, ra, nhóm nghiên cứu của Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng gồm các thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Hạnh và Nguyễn Thị Phương Trang, đã có nghiên cứu khảo sát, phân tích thực hiện trên 500 HS THPT tại 2 trường THPT trên địa bàn TP. Đà Nẵng về tình trạng bắt nạt trực tuyến. Kết quả phân tích số liệu cho thấy có 32,9% HS không bao giờ bị bắt nạt trực tuyến, 22,1% HS hiếm khi bị, 28,4% HS thỉnh thoảng bị, 7,7% HS thường xuyên bị bắt nạt, 9% HS rất thường xuyên bị bắt nạt trên mạng.

    Nhóm nghiên cứu cho hay, ở những HS bị bắt nạt, kết quả phân tích cho thấy có tương quan thuận ở mức thấp của các vấn đề cảm xúc như stress, lo âu, trầm cảm và vấn đề hành vi như tăng động, khả năng kiểm soát kém và tính bất thường với việc bị bắt nạt.

    Ngày 6.9, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc công bố một kết quả khảo sát về bạo lực trẻ em. Có đến 1/3 thanh thiếu niên ở 30 quốc gia cho biết họ đã từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng. Trong đó, 1/5 cho biết đã từng bỏ học vì bị bắt nạt trên mạng và bạo lực. Gần 3/4 thanh thiếu niên cho biết mạng xã hội như: Facebook, Instagram, Snapchat và Twitter là những nền tảng phổ biến nhất xảy ra bắt nạt trên mạng.
    Tác giả Đăng Nguyên | Thanh niên
    40% Off